Quy trình ăn dặm của trẻ theo từng độ tuổi

17 Tháng Chín, 2023 quantri 206 Lượt xem

Quy trình ăn dặm của trẻ nên được chia theo từng giai đoạn để trẻ tập làm quen với dạng thức ăn mới. Bên cạnh đó, quy trình ăn dặm phù hợp sẽ cung cấp dinh dưỡng hợp lý, hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện và giúp trẻ ngăn ngừa béo phì. 

Giai đoạn 1 (trẻ từ 6 tháng tuổi): làm quen với thìa, cốc

Đây là giai đoạn đầu tiên trong quy trình ăn dặm của trẻ, lúc này trẻ chưa cần ăn 3 bữa một ngày. Trẻ sơ sinh có bụng rất bé, do đó cha mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn với một lượng nhỏ (chỉ một vài miếng hoặc một thìa cà phê thức ăn).

Mẹ nên cho trẻ ăn trước khi bú sữa bởi nếu trẻ bú no, trẻ có thể không còn hứng thú với việc ăn thêm thức ăn khác.

Ở giai đoạn này, mẹ cần kiên nhẫn, dành nhiều thời gian với trẻ và để trẻ tự ăn theo nhịp độ của mình. Mẹ có thể cho trẻ làm quen với cốc, học cách uống từng ngụm nước.

Quy trình ăn dặm của trẻ nên bắt đầu với các thực phẩm sau:

  • Các loại rau củ, quả: súp lơ, rau chân vịt, cà rốt, khoai tây, táo, lê, chuối…
  • Các sản phẩm từ sữa chứa nhiều chất béo như phô mai, sữa chua, sữa tươi… Mẹ có thể dùng sữa bò để nấu ăn hoặc trộn vào thức ăn của trẻ nhưng không nên cho trẻ uống dưới dạng thực phẩm uống hàng ngày cho đến khi trẻ được 1 tuổi.
  • Mẹ có thể cho trẻ ăn những loại thực phẩm chứa các chất dễ gây dị ứng (đậu phộng, trứng gà, gluten, cá…), mỗi lần một loại với số lượng nhỏ để xem trẻ có bất kỳ phản ứng nào với các thành phần trên không. Các dấu hiệu dị ứng bao gồm tiêu chảy, phát ban hoặc nôn mửa.

Ngoài ra, khi chế biến thức ăn dặm cho trẻ, mẹ không nên thêm đường hoặc muối vào đồ ăn, kể cả nước dùng.

Giai đoạn 2 (trẻ từ 7-9 tháng tuổi): tập nhai

Từ khoảng tháng thứ 7, mẹ có thể cho bé ăn 3-4 bữa một ngày, bên cạnh việc bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức. Khi trẻ ăn nhiều thức ăn dạng đặc, trẻ có thể bú ít sữa hơn, thậm chí bỏ hẳn một cữ sữa.

Mẹ nên tăng dần lượng thức ăn và đa dạng hoá các loại thực phẩm ăn dặm để đảm bảo trẻ được bổ sung đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết.

Chế độ ăn của trẻ có thể bao gồm các thực phẩm sau:

  • Trái cây và rau củ (kể cả loại có vị đắng): súp lơ, bắp cải, rau chân vịt…
  • Cơm, bánh mì, khoai tây và các loại thức ăn chứa tinh bột.
  • Đậu, cá, trứng, thịt và các thức ăn chứa protein không phải từ sữa.
  • Các sản phẩm làm từ sữa chứa nhiều chất béo đã tiệt trùng như sữa chua, phô mai nguyên chất (nên chọn loại ít muối)…

Mỗi bữa ăn của trẻ nên chứa các loại thực phẩm bổ sung sắt như thịt, cá, rau xanh đậm, đậu lăng…

Khi trẻ đã thành thạo hơn trong việc ăn uống, mẹ có thể cho trẻ ăn nhiều thức ăn dạng nghiền, dạng cầm tay. Thức ăn cầm tay sẽ giúp khuyến khích trẻ tự ăn, phát triển khả năng phối hợp tay và mắt cũng như học cách cắn, nhai và nuốt những miếng thức ăn mềm.

Giai đoạn 3 (trẻ từ 10-12 tháng tuổ): tập bốc

Ở độ tuổi này, trẻ có thể tập ăn bằng cách dùng tay bốc hoặc dùng thìa. Những thực phẩm thích hợp cho trẻ bốc tay bao gồm:

  • Rau nấu chín mềm.
  • Trái cây rửa sạch và gọt vỏ.
  • Bánh quy, bánh mì, mì.

Ngoài ra, mẹ nên tránh cho trẻ ăn các thực phẩm dễ gây nghẹn như nho khô, ngũ cốc, các loại hạt, xúc xích… Đồng thời, mẹ nên mua thực phẩm bổ sung vitamin D cho trẻ.

Giai đoạn 4 (trẻ từ 12 tháng tuổi): tập ăn cơm

Đến giai đoạn này trong quy trình ăn dặm của trẻ, mẹ nên cho trẻ ăn 3 bữa một ngày với nhiều loại thức ăn khác nhau, bao gồm tối thiểu:

  • 4 khẩu phần thức ăn giàu tinh bột như cơm, bánh mì…
  • 4 khẩu phần trái cây và rau quả.
  • 350ml sữa hoặc 2 khẩu phần sản phẩm từ sữa.
  • 1 khẩu phần thức ăn chứa protein từ nguồn động vật (thịt, cá và trứng) hoặc 2 khẩu phần protein từ thực vật.

Bên cạnh bữa ăn chính, mẹ có thể cho trẻ ăn 2 bữa ăn phụ (vào giữa sáng và giữa chiều).

Tuỳ vào mức độ phát triển của trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể điều chỉnh thời gian mỗi giai đoạn trong quy trình ăn dặm của trẻ sao cho phù hợp với con mình.