Mẹ phải làm gì khi trẻ giận hờn vô cớ?
Đứng trước những cơn giận hờn thất thường, những đòi hỏi, gào khóc đôi khi rất vô lý của con, nhiều cha mẹ lúng túng không biết xử lý thế nào.
Theo các nhà tâm lý học, những cơn giận hờn của trẻ thường lành mạnh và không tránh khỏi, bởi vì qua đó trẻ có cơ hội được thể hiện nhu cầu bản thân.
Nếu chúng ta biết cách chế ngự những cơn giận hờn của trẻ bằng thái độ cương quyết chứ không phải bằng sự lấn át thì những cơn giận hờn đó cũng giúp trẻ học cách điều chỉnh những hẫng hụt để lớn dần lên…
Cơn giận hờn thất thường mà chúng tôi nói đến ở đây thường xuất hiện một cách bất ngờ và thường bắt nguồn từ một đòi hỏi mang tính chất hờn dỗi vô lý của trẻ, nó được nhiều cha mẹ ví như “tiếng sét giữa trời quang” vì trước đó trẻ chẳng có biểu hiện buồn bã hay cáu giận gì. Do đó, người lớn sẽ bối rối, khó xử vì nhiều khi nó xảy ra trước đám đông.
Trẻ trên 9 tháng tuổi bắt đầu giận hờn thất thường, đặc biệt đối với trẻ từ 18 tháng đến 4 tuổi. Đây là giai đoạn các bậc cha mẹ vui sướng ngắm nhìn con lớn lên từng ngày và cũng là giai đoạn cha mẹ chịu đựng và cảm thấy bất lực trước những cơn hờn giận thất thường, đôi lúc còn khiến cha mẹ phải xấu hổ trước nơi đông người.
1. Bạn cần phải làm gì để trẻ bớt giận hờn thất thường?
Trẻ ăn vạ giận dỗi là điều bình thường
Bạn đừng mơ ước mình trở thành một bà mẹ hoàn hảo với những đứa con bụ bẫm, kháu khỉnh, luôn nở nụ cười trên môi. Nghĩ được như vậy bạn sẽ thấy đó cũng là chuyện thường, bạn chẳng cần phải quá xấu hổ với đám đông vì chắc rằng họ sẽ thông cảm với bạn.
Bạn đừng tự buộc tội mình khi thấy con có những cơn hờn giận thất thường.
Bạn nên phân biệt trẻ giận hờn để thể hiện và khẳng định hay là trẻ muốn đòi hỏi để đạt được mục đích của mình, từ đó bạn sẽ chọn được biện pháp thích hợp.
Ngay từ khi trẻ dưới 1 tuổi, bạn nên bắt đầu tập cho bé quen với việc kiên nhẫn chờ đợi để được đáp ứng, đừng bỏ mặc bé nhưng cũng đừng để bé đánh giá nhầm rằng bạn là một cái “kho” dự trữ các loại đáp ứng, cần là có ngay.
Ví dụ bé khóc đòi ăn, bạn nên nói với bé một cách dịu dàng: “Bé đợi mẹ một tí nhé, mẹ đi chuẩn bị đồ ăn cho con”. Khi bé lớn hơn chút nữa, bắt đầu vào tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, bạn cố tránh cho bé phải chịu đựng mệt mỏi quá lâu, sự mệt mỏi sẽ tạo điều kiện cho bé giận hờn.
Bạn nên tập thói quen phòng trước mọi vấn đề, ví dụ có thể nói với bé :”Mẹ/bố con mình sẽ đi chợ nhé, nhưng mẹ nói trước với con là mẹ/bố sẽ không mua gì riêng cho con đâu đấy”, hoặc “bây giờ con cần ngủ trưa một tiếng nhé, sau đó bà sẽ đến thăm con đấy”, hoặc “con có thể chơi hai vòng đu quay, mẹ/bố không đông fys thêm vòng nữa đâu, con có đòi cũng không được”..
Mẹ cần phải làm gì khi bé ăn vạ, hờn giận
Khi cơn hờn giận đòi hỏi đã nổ ra, bạn hãy chứng tỏ mình là người cương quyết. Chỉ cần bạn lùi một lần là bạn đã tự mở cánh cửa cho những ý tưởng không thể tưởng tượng nổi của một đứa trẻ rồi, và những cơn hờn giận thất thường như thế có nguy cơ tăng lên gấp nhiều lần.
Bạn có thể dùng phương pháp đánh lạc hướng: Đứng trước một đứa trẻ đang kêu gào, nếu bạn gào to hơn bé cũng chỉ vô ích thôi. Tốt hơn là hãy ôm bé vào lòng, vuốt ve cho bé nguôi cơn rồi tìm cách hướng bé sang chuyện khác.. Ví dụ: Bạn có thể nói với bé “Con biết không, hồi còn bé mẹ cũng hay giận hờn, rồi mẹ sẽ kể con nghe, hoặc “Nào, hai mẹ con mình cùng hỏi bố xem đã có lần nào bố cáu giận thế này chưa?”.
Thái độ tốt nhất lúc này là kết hợp giữa cương quyết và nhượng bộ. Ví dụ: “Khi bé cầm một gói kẹo lên đòi bạn mua, bạn cần cương quyết nói với bé rằng: “Không, con hãy bỏ gói kẹo xuống”. Nhưng ngay sau đó, bạn nên cho bé một lối thoát: “Nào, con lại đây chọn giúp mẹ món tráng miệng, chắc bố sẽ rất hài lòng khi biết chính con đã chọn món tráng miệng đấy”. Tóm lại bạn cố gắng chuyển tình huống từ tiêu cực sang tích cực.
Bạn cần dạy cho bé biết sửa chữa lỗi bé đã gây ra trong cơn hờn dỗi. Bé ném đồ ăn thì bé cần phải nhặt lại và cùng bạn lau dọn chỗ bẩn, nếu bé nói hỗn với bà thì bé phải biết xin lỗi bà, nếu bé đánh bạn thì bé phải biết xin lỗi bạn, đôi khi chỉ cần thơm vào má bạn một cái chẳng hạn…
Việc sửa lỗi lầm sẽ giúp bé vượt ra khỏi các cơn khủng hoảng, và sự giúp đỡ chỉ dẫn của người lớn là rất quan trọng, bé đâu có thể làm được tất cả nếu không có sự giúp đỡ.
2. Những nguyên nhân khiến bé giận hờn vô cớ
Để có những thái độ ứng xử tốt trước những tình huống như vậy, bạn cần hiểu qua những nguyên nhân:
Hờn giận thất thường là điều rất bình thường với các bé dưới 4 tuổi.
Những đứa trẻ “quá ngoan” mới là những đứa trẻ có vấn đề đáng làm cho cha mẹ lo ngại. Một đứa trẻ có những cơn hờn giận thất thường trước hết là một đứa trẻ tràn đầy năng lượng sống và khỏe mạnh.
Do cha mẹ mong đợi quá nhiều.
Trong khoảng thời gian từ 18 tháng tới 4 tuổi, chúng ta đòi hỏi trẻ rất nhiều, nào là tập ở sạch, nào là tập thích nghi với đời sống lớp mẫu giáo, đồng thời trẻ phải trải qua rất nhiều sự kiện khác nhau trong quá trình phát triển về tâm sinh lý..
Tất cả những gì trẻ phải đối đầu, tất cả những thử thách trẻ phải vượt qua làm cho cuộc sống của trẻ luôn căng thẳng.
Có thể bạn sẽ thấy sau một ngày ở trường, trẻ hay đòi hỏi và hay giận hờn. Khi cha mẹ vui vì được gặp lại con, nhiều trẻ đã bắt đầu màn kích của nó, như đòi cha mẹ mua đồ này nọ, hoặc là giận dỗi vô cớ.
Với nhiều trẻ, màn kịch này còn tiếp diễn tại bàn ăn, nào là chúng không muốn ăn rau, không thích ăn thịt cá, ngậm đồ ăn trong miệng, hay thò tay vào thức ăn…
Tiếp diễn vào giờ đi ngủ, bao nhiêu đứa trẻ không muốn đi ngủ, hoặc ngủ không ngon
Trẻ làm vậy là để thử lòng cha mẹ
Đôi khi trẻ muốn xem cha mẹ có thực sự quan tâm đến chúng hay không, và để lôi kéo sự chú ý của cha mẹ. Bạn trở về sau một ngày làm việc, bạn đã mệt mỏi lắm rồi, bạn thầm mong con cái để cho bạn được yên thân, hoặc bạn yêu cầu chúng rằng bạn đã rất mệt và muốn chúng phải ngoan ngoãn.
Nhưng một đứa trẻ dưới 4 tuổi đâu có hiểu được như vậy, nhiều lúc sự mệt mỏi của bạn chỉ làm bé thêm lo lắng, và bé càng muốn biết bố mẹ có còn quan tâm tới bé hay không. Bé sẽ gào lên, bé sẽ làm mọi thứ trở nên lộn xộn, bé sẽ lăn ra trước đám đông, nếu bé biết được rằng bạn rất xấu hổ với đám đông.
3. Những thái độ cần tránh khi bé giận hờn
Thờ ơ, bỏ mặc
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những cha mẹ bỏ mặc con khóc lóc dỗi hờn, thái độ này của cha mẹ làm cho trẻ bị tổn thương ghê gớm, và đứa trẻ sẽ sống trong sự nghi ngờ và lo sợ.
Đùa cợt không đúng lúc
Những câu đùa cợt không đúng lúc của bạn như: “Ôi, ông tướng lại hờn rồi”, hoặc “Lại làm xiếc rồi đây” vào những lúc này là điều hoàn toàn không nên, nó thể hiện sự thiếu tôn trọng trẻ của cha me.
Tránh lấy bố hoặc người khác ra dọa trẻ
Ví dụ “Bố về thì con sẽ biết tay bố”..Nó sẽ làm cho trẻ cdos những ấn tượng sai lệch về bố và những người xung quanh.
Tránh phạt trẻ bằng cách nhốt trẻ vào trong phòng một mình
“Con phải ở trong phòng”, sẽ chẳng giải quyết được gì. Hoặc bé sẽ tha thẩn chơi, hoặc bé sẽ liên tưởng phòng ngủ là một nơi đáng sợ, khiến bé gặp phải một số rối loạn về giấc ngủ hoặc những cơn giận hờn trước khi ngủ sau này.
•Tránh dán nhãn cho trẻ.
“Con là đứa hay dỗi hờn”, “Trời ơi, sao lại có đứa bé hay dỗi thế này”…Những cái nhãn như vậy rất có hại, bởi vì ấn định đứa trẻ với một đặc tính không hay ho gì, thay vì nên đưa cho bé một cái sào để bé có thể nắm lấy mà vượt qua cơn khủng hoảng.
4. Khi nào bạn cần cho bé đi khám bác sĩ hoặc nhà tâm lý?
Khi bé liên tục hờn dỗi trong ngày, và khó chấm dứt, bạn nên gặp bác sĩ hoặc nhà tâm lý để xin tư vấn.
Nếu sau những cơn hờn mà bé vẫn chơi vui, ăn ngủ và phát triển bình thường, bạn không cần lo ngại. Ngược lại nếu thấy bé buồn bã, hoặc quá trầm lắng thì nên cho bé đi khám.
Bạn có thể hỏi cô giáo hoặc người trông bé xem ở lớp bé thế nào, có chơi với các bạn không?, có hay cáu giận không, có đánh bạn không, nếu có thì có chóng qua không?
Nếu bé có những điều bất thường ở lớp, bạn nên cho bé đi khám.
Bé có tò mò, có thích thú tìm hiểu cuộc sống không hay là thờ ơ, lãnh đạm và co mình?
Chính bạn, bạn cảm thấy thế nào, có thấy yên ổn không, nếu những cơn hờn giận của con làm bạn bị ám ảnh suốt cả ngày, bạn lo lắng và bứt rứt không yên về bé thì bạn cũng nên đến gặp bác sĩ hoặc nhà tâm lý.