Những điều cha mẹ nên biết khi chăm sóc trẻ sinh non ở nhà
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sinh non có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe cao hơn những đứa trẻ được sinh đủ tháng tuổi do hệ miễn dịch còn kém phát triển. Do đó, việc chăm sóc trẻ sinh non ở nhà cần được quan tâm nhiều hơn.
1. Giữ nhiệt độ cơ thể trẻ ở khoảng 36,6 – 37,2 độ C
Cha mẹ không cần phải đo nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Tuy nhiên, bạn hãy kiểm tra nhiệt độ của trẻ nếu trẻ cảm thấy nóng hơn bình thường, bị đổ mồ hôi hoặc nhìn trẻ trông không được khoẻ hay có dấu hiệu bất lạ.
Khả năng kiểm soát nhiệt độ cơ thể của trẻ sinh non kém hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Nếu môi trường xung quanh quá lạnh, trẻ sinh non có thể mất nhiệt rất nhanh. Nhưng nếu trời quá nóng, cơ thể trẻ có thể bị quá nhiệt, làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nhiệt độ phòng của trẻ nên duy trì ở mức 16 – 20 độ C.
Để giữ nhiệt độ cơ thể của trẻ trong khoảng tốt nhất, cha mẹ nên cho trẻ mặc nhiều lớp, số lượng lớp tuỳ thuộc vào nhiệt độ môi trường xung quanh. Điều quan trọng là không nên đội mũ cho trẻ sơ sinh trong nhà vì nó có thể khiến trẻ bị quá nóng.
2. Đặt tư thế ngủ của trẻ đúng cách
Một số trẻ sinh non có thể nằm ngủ sấp vì lý do y tế khi ở trong bệnh viện. Nhưng khi chăm sóc trẻ sinh non ở nhà, cha mẹ nên đặt trẻ nằm ngủ ở tư thế ngửa. Trẻ sẽ mất một thời gian để làm quen với tư thế ngủ mới này.
Sử dụng chăn nhẹ đắp đến vai trẻ, tuyệt đối không chùm chăn lên đầu trẻ. Cha mẹ nên tránh ngủ chung với trẻ sinh non trên ghế sofa, ghế bành.
3. Cho trẻ ăn hợp lý
Trẻ sinh non cần được cung cấp dưỡng chất nhiều hơn để theo kịp sự phát triển của trẻ sinh đủ tháng. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất vì nó mang các chất dinh dưỡng và kháng thể quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển hệ thống miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, ngay cả khi bổ dưỡng như vậy, sữa mẹ vẫn phải được tăng cường thêm protein, vitamin và khoáng chất để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cao của trẻ sinh non. Có thể trộn sữa mẹ với sữa human milk fortifier – một loại sữa chuyên biệt dành cho trẻ sinh non để thúc đẩy sự phát triển khoẻ mạnh của trẻ.
Trẻ sinh non có thể bú mẹ hoặc bú bình. Tuy nhiên, có một số trẻ gặp khó khăn trong việc phối hợp bú, nuốt và thở. Để khắc phục vấn đề này, có thể cho trẻ ăn thông qua các đường sau:
- Ống NG: ống thông mũi dạ dày đưa sữa hoặc chất dinh dưỡng qua mũi và vào dạ dày của trẻ.
- Ống G: ống thông dạ dày được phẫu thuật luồn qua da và đi thẳng vào dạ dày của em bé.
4. Phòng ngừa nhiễm khuẩn
Trẻ sinh non có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn cao do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Dưới đây là một số cách phòng ngừa nhiễm khuẩn khi chăm sóc trẻ sinh non ở nhà:
- Tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ.
- Tránh những nơi công cộng và hạn chế khách đến thăm nhà (yêu cầu khách rửa tay trước khi chạm vào trẻ).
- Hạn chế đưa trẻ ra ngoài.
- Rửa tay sau khi thay tã, đi vệ sinh và trước khi cho trẻ ăn hoặc chuẩn bị thức ăn.
- Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng, sau đó lau khô cẩn thận.
- Cho trẻ bú nếu có thể – sữa mẹ có nhiều lợi ích cho trẻ sinh non, giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng, cũng như giúp mẹ gắn bó với con hơn.
- Giữ cho trẻ tránh xa khói thuốc.
- Tránh tiếp xúc với những người bị ho, cảm lạnh hoặc đau dạ dày.
5. Hỗ trợ trẻ thở khi trẻ gặp vấn đề về hô hấp
Trẻ sinh trước 32 tuần hoặc những trẻ đã/ đang mắc chứng loạn sản phế quản phổi (BPD) có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hô hấp liên tục, chẳng hạn như hen suyễn, thở khò khè hoặc ngưng thở. Ngưng thở là tình trạng phổ biến khi trẻ ngừng thở trong vài giây trước khi thở bình thường trở lại.
Sau khi về nhà, trẻ mắc bệnh BPD có thể cần thêm oxy và thuốc để giúp phổi hoạt động tốt hơn. Nếu trẻ cần oxy, các thiết bị cung cấp oxy và theo dõi ở nhà sẽ được cấp trước khi xuất viện.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng việc chăm sóc trẻ sinh non ở nhà theo kiểu kangaroo có thể tăng cường sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái, thúc đẩy việc cho con bú và cải thiện sức khỏe của trẻ.
Hãy tận dụng những tuần yên tĩnh này cùng nhau để tận hưởng sự tiếp xúc da kề da (sự chăm sóc chuột túi). Trong một căn phòng ấm áp ở nhà, mẹ chỉ cần mặc tã cho con, sau đó đặt con lên ngực và quay đầu trẻ sang một bên sao cho tai của trẻ áp vào tim mẹ.