Cẩm nang giúp mẹ chăm sóc bé sơ sinh

24 Tháng Chín, 2022 Chăm sóc bé 503 Lượt xem

Cũng như những bà mẹ lần đầu sinh con, bạn cảm thấy hoang mang vì không biết phải làm gì, công việc làm mẹ sẽ diễn ra như nào và bạn phải làm sao để chăm sóc em bé sơ sinh của mình. Bạn đã vượt cạn thành công sau chín tháng mười ngày mang thai, và bây giờ bạn phải sẵn sàng bắt đầu cuộc sống mới với sự có mặt của thành viên nhỏ tuổi này. Đừng lo sợ, chúng tôi sẽ giúp bạn trải qua sự bỡ ngỡ này một cách tự tin để chăm sóc bé tốt nhất. Đọc tiếp những lời khuyên của chúng tôi dưới đây nhé!

Yêu cầu trợ giúp chăm sóc bé sơ sinh

Bạn đừng ngại nếu cảm thấy cần giúp đỡ trong thời gian này khi bạn bận rộn quá mức và không có thời gian để nghỉ ngơi. Khi còn ở trong viện, bạn có thể nhờ các y tá chăm sóc em bé nếu bạn quá yếu, các dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh ngày nay đã nhiều và tốt hơn trước. Việc nhờ y tá chăm sóc bé cũng là một nguồn “tài liệu” tuyệt vời để bạn học cách bế em bé, cho bé ợ hơi, thay tã cho bé, tắm cho bé và cho bé ngủ.

Sau khi về nhà, bạn cần có sự thỏa thuận về sự trợ giúp đối với chồng bạn hoặc người thân. Bạn có thể thuê một y tá chăm sóc bé sơ sinh hoặc một người giúp việc để giúp bạn làm việc nhà. Nếu em bé quấy khóc vào ban đêm khiến bạn không thể ngủ, hãy yêu cầu người thân giúp đỡ hoặc tìm kiếm dịch vụ trông bé. Phụ nữ sau sinh cần được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, điều này không những giúp cơ thể người mẹ phục hồi nhanh chóng mà còn giúp đảm bảo nguồn sữa cho em bé.

Nếu người thân và bạn bè của bạn có những góp ý về cách chăm sóc bé sơ sinh, bạn cần lắng nghe và đừng vội gạt bỏ kinh nghiệm của họ ngay cả khi bạn không thích.

Trong thời gian nghỉ ngơi, bạn có thể từ chối tiếp khách mà không cần phải cảm thấy lo lắng hay sợ làm phiền lòng ai đó. Điều này là hợp lý.

Chăm sóc em bé sơ sinh

Gắn kết tình mẫu tử và xoa dịu bé

Một trong những điều thú vị nhất và có ý nghĩa nhất với mỗi ông bố, bà mẹ khi chăm sóc bé sơ sinh chính là “sự gắn kết”, điều này thường xảy ra trong những ngày đầu tiên sau khi em bé chào đời. Sự tiếp xúc gần gũi về thể chất có thể thúc đẩy và kết nối tình cảm của bé với bố mẹ. Đó cũng là lý do phương pháp “da kề da” xuất hiện nhiều hơn tại các phòng sinh hiện đại.

Đầy đủ tình yêu thương, sự gắn bó của bố mẹ cũng góp phần lớn vào sự phát triển cảm xúc của em bé và điều này giúp bé phát triển cả thể chất cũng như trí tuệ. Đa phần mọi trẻ em đều phát triển mạnh mẽ khi xung quanh là những người yêu thương các bé vô điều kiện.

Vậy nên, để gắn kết tình cảm giữa bố, mẹ và em bé, hãy bắt đầu từ cách bạn ôm bé và nhẹ nhàng vuốt ve bé theo cách nào khiến bé cảm thấy dễ chịu nhất. Bạn có thể tận dụng cơ hội “da kề da” bé bất kể khi nào bạn cho bé bú hoặc bế bé. Bé sẽ cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể của bố, mẹ và cảm thấy an toàn khi ra ngoài không gian bao la, rộng lớn.

Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe có thể sẽ tốt hơn nếu được massage đúng cách. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh được massage sẽ giúp tăng trưởng và phát triển đồng thời tăng cường sự gắn kết với bố, mẹ hoặc người chăm sóc. Tuy nhiên, bạn không nên massage cho trẻ theo video hướng dẫn mà hãy hỏi ý kiến của các bác sĩ và học tập từ những chuyên gia chăm sóc trẻ sơ sinh có kinh nghiệm bởi chỉ một chút sai sót cũng khiến bé yêu của bạn bị tổn thương.

Bạn đừng nghĩ rằng bé yêu của mình còn quá nhỏ để nghe nói chuyện. Trẻ sơ sinh rất hứng thú với tiếng nói dù đó là tiếng nói chuyện, tiếng anh/chị nói bi bô, ca hát hoặc tiếng thủ thỉ của mẹ. Bé có thể cũng muốn nghe một chút nhạc, không nhất thiết phải là nhạc cổ điển đâu mẹ nhé. Bạn có thể nghe bất kể nhạc gì bạn thích, em bé của bạn cũng sẽ thích. Âm thanh phong phú sẽ giúp kích thích thính giác của trẻ sơ sinh rất tốt. Nếu bé quấy khóc, bạn hãy thử hát ru, ngâm thơ… bé sẽ cảm thấy dễ chịu.

Không phải trẻ nào cũng thích âm thanh và ánh sáng, một số trẻ nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài hơn bình thường, từ xúc giác, âm thanh, ánh sáng Do đó những trẻ này thường bị giật mình, quấy khóc và ngủ ít hơn khi có các yếu tố này xuất hiện. Nếu em bé của bạn nhạy cảm, hãy cố gắng điều chỉnh âm thanh và ánh sáng xung quanh bé.

Quấn bé

Việc dùng tã hoặc chăn để quấn em bé có tác dụng tốt trong tuần đầu khi bạn chăm sóc bé sơ sinh. Đây là kỹ thuật giúp xoa dịu bé mà những người lần đầu làm bố, mẹ nên học. Quấn bé đúng cách là bạn quấn để giữ được cánh tay của bé ôm sát vào cơ thể mà đôi chân vẫn có thể cử động. Quấn bé bằng khăn hay tã không chỉ giúp giữ ấm cho bé mà còn giúp bé có cảm giác như đang ở trong bụng mẹ, bé sẽ thấy an toàn và thoải mái. Việc quấn bé cũng giúp hạn chế phản xạ giật mình làm bé tỉnh giấc. Mặt khác, móng tay của trẻ sơ sinh dài nhanh và sắc nên khi tay bé được quấn lại sẽ hạn chế cào vào mặt gây trầy xước.

Cách quấn trẻ sơ sinh an toàn:

  • Trải tấm chăn hoặc tã ra sau đó gấp một chút của một góc.
  • Đặt bé nằm ngửa trên tã hoặc chăn và đầu cao hơn góc gấp.
  • Quấn từ bên trái cơ thể và nhét đầu tã bên trái vào dưới lưng bé.
  • Gấp góc dưới lên qua chân bé và kéo về phía đầu, nếu tấm vải to gần tới mặt thì nên gấp xuống. Cần kiểm tra để không bị quấn chặt khu vực hông bé.
  • Góc phải xung quanh bé được quấn lại và nhét dưới lưng bé phía bên trái, chỉ để hở cổ và đầu. Để chắc rằng bé không bị quấn quá chặt, bạn có thể luồn một tay vào giữa tấm tã hoặc chăn và ngực bé, điều này đảm bảo bé sẽ thở thoải mái. Tuy nhiên, bạn đừng để tấm vải lỏng quá và dễ dàng bung ra khi bé cử động.

Sau khi em bé được 2 tháng tuổi, bé biết lăn lộn nên bạn không cần quấn tã nữa vì như thế sẽ làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Cách cho bé bú

Bạn chắc hẳn sẽ bối rối khi lần đầu cho bé bú dù bằng bình hay bú sữa mẹ. Bạn cũng không biết nên để bé bú bao lâu (hoặc nhiêu ml) và bao lâu thì cho bé bú tiếp. Thật đơn giản, bạn hãy để bé bú theo nhu cầu, bất kể khi nào bé có tín hiệu đói, bạn hãy cho bé bú. Và khi bé no, bé sẽ nhả đầu ti hoặc bình sữa.

Thông thường trẻ sơ sinh sẽ bú sau một cữ khoảng 2 -3 giờ. Nếu bé bú mẹ, bạn lưu ý để bé bú mỗi bên 10 – 15 phút và bú hết từng bên một. Điều này giúp bé bú được dòng sữa đặc từ bên trong với nhiều chất dinh dưỡng.

Trẻ sơ sinh thường ngủ rất lâu và một số trẻ ngủ say đến nỗi không thấy đói. Nhưng trong tháng đầu, bạn cần đánh thức bé dậy để bú, đảm bảo rằng bé được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Nếu bé của bạn có triệu chứng biếng ăn, bạn cần liên hệ với bác sĩ dinh dưỡng.

Trong trường hợp bạn cho bé bú sữa công thức, bạn có thể theo dõi lượng sữa bé bú để biết bé đã đủ no chưa, việc này khó hơn nếu bé bú mẹ. Và để chắc rằng bé luôn bú đủ, bạn kiểm tra lượng tã cần thay trong một ngày. Thông thường bé sẽ ướt 6-8 lần mỗi ngày và vài lần đi tiêu và bé ngủ ngon, tăng cân đều là chứng tỏ bé bú đủ. Bạn cũng có thể kiểm tra ngực của mình để biết lượng sữa bé bú.

Cho bé ợ hơi

Có thể bé sẽ nuốt không khí trong khi bú và khiến bé bị đầy hơi, khó chịu và dễ nôn trớ. Để giúp bé dễ tiêu và thoải mái sau khi ăn, bạn cần giúp bé ợ hơi bằng cách:

  • Giữ bé theo chiều thẳng đứng và đầu bé đặt trên vai bạn, một tay nâng đỡ cổ bé và một tay vỗ nhẹ vào lưng bé.
  • Đặt bé nằm úp vào lòng của bạn. Nâng đầu của bé để cao hơn ngực bạn và vỗ lưng trẻ nhẹ nhàng hoặc xoa lưng bé.

Nếu bạn chưa cho bé ợ hơi được thì hãy đổi tư thế và thử cho bé ợ hơi trước khi ăn tiếp. Sau khi bé ăn xong luôn cho bé ợ hơi và giữ bé ở tư thế thẳng ít nhất 10-15 phút để bé không bị nôn trớ.

Chăm sóc bé sơ sinh về giấc ngủ

Bạn đừng mong đợi là bé sẽ ngủ suốt đêm. Mặc dù tổng thời gian bé ngủ trong ngày là khoảng 16 giờ nhưng mỗi giấc ngủ của bé chỉ kéo dài 2- 4 giờ. Bé sẽ đói, cần được cho bú hoặc bé sẽ đi tiêu và cần được thay tã. Chính vì thế mà bé cần bạn ở bên mọi lúc. Đối với một số bé sơ sinh quấy khóc hoặc khó ngủ, việc bế bé cả đêm là điều khó tránh.

Tuy nhiên, đa phần ngoài 3 tháng tuổi bé có thể bắt đầu ngủ suốt đêm mà không cần dậy ăn vì chu kỳ giấc ngủ của bé sẽ dẫn hoàn thiện dần. Nếu bé của bạn vẫn tăng cân và phát triển đều thì bạn cũng không cần lo lắng nếu quá 3 tháng bé chưa ngủ được một giấc dài.

Điều quan trọng bạn cần nhớ để bé ngủ an toàn là đặt bé nằm ngửa để giảm nguy cơ đột tử và một số lưu ý khác như: không sử dụng chăn, màn, thú bông hoặc gối trong cũi của bé vì chúng có thể khiến bé bị ngạt thở. Bố mẹ nên ngủ chung phòng nhưng không nên ngủ chung giường với bé trong 6 tháng đầu. Ngoài ra bạn cần thay đổi vị trí đầu của bé để tránh bị bẹp một bên hoặc bẹt đằng sau đầu.

Để trẻ sớm có được chu kỳ ngủ như người lớn, bạn cần giúp trẻ nhận biết ngày và đêm bằng cách giữ cho không gian yên tĩnh, tắt hết đèn vào ban đêm và nói chuyện, chơi với bé nhiều vào ban ngày.

Mặc dù chăm sóc một em bé sơ sinh là điều không đơn giản, nhưng với bản năng làm mẹ cùng với những kinh nghiệm mà chúng tôi đã chia sẻ, chỉ trong vài tuần ngắn ngủi nữa là bạn đã trở thành người mẹ chuyên nghiệp rồi.

Bài viết có liên quan: Cách chăm sóc bé sơ sinh từ 1 – 12 tháng tuổi chi tiết